Những lỗi thường gặp khi sơn nhà và cách khắc phục

24/10/2018

Việc sơn nhà đẹp tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu không có kĩ thuật và tay nghề cao thì để sơn được một ngôi nhà với lớp sơn hoàn hảo, màu sắc của tường nét và mịn là điều không hề dễ dàng.

Ngoài những bước sơn cơ bản như: làm sạch tường nhà trước khi sơn, sơn lót trước khi sơn lăn chính thì việc chú trọng đến chọn sơn chất lượng, chú ý kĩ thuật lăn sơn (lăn đều và nhanh để tường được đều màu và dễ bám dính với tường) trong quá trình sơn, chú ý đến thời tiết, độ ẩm nếu sơn ngoài trời. Dưới đây là các lỗi thường gặp khi sơn nhà, các bạn nên đọc tham khảo và rút ra kinh nghiệm.

1. Màng sơn bị rỗ, phồng rộp:
Hiện tượng : Trên bề mặt màng sơn có những hạt hoặc rỗ
Nguyên nhân :
Trường hợp có lẫn hạt :
Do có lẫn những vẩy hoặc những mẩu sơn khô. Vì các nguyên nhân sau :
– Sơn bị khô trên thành vật chứa sơn khi thi công hay do bụi bẩn bắn vào
– Sau khi thi công lần trước không rửa thật sạch dụng cụ thi công, để các vảy sơn sót lại
– Vệ sinh bề mặt không kỹ, để lại trên bề mặt nhiều bụi (sau khi xả nhám lớp mastic)
Trường hợp có lỗ :
– Do pha sơn quá loãng đã tạo ra nhiều bọt khí. Khi thi công thì bọt khí hiện diện trên màng sơn, khi khô vỡ ra tạo thành lỗ
– Nếu là sơn dung môi sơn dầu thì do xử lý bề mặt cần sơn không kỹ

Cách khắc phục:
- Đối với loại tường bị rỗ, rộp, có nhiều hạt trước khi tiến hành sơn cần làm sạch, mịn tường, có nhiều cách làm như thoa giấy ráp
- Pha sơn đúng tỷ lệ, đúng kĩ thuật trong mỗi thùng sơn đều có hướng dẫn sử dụng

2. Màng sơn bị nhăn:
Hiện tượng : Sau khi khô màng sơn bị nhăn nheo, sần sùi ,không mượt, phẳng.
Nguyên nhân :
– Con lăn (roller) không thích hợp : Con lăn có lông quá dài sẽ tạo nên bề mặt có vân lớn, sần sùi
– Sơn dày quá hoặc sơn không đều, chỗ dày, chỗ mỏng làm cho sơn không khô cùng lúc, bề mặt bên ngoài
khô trước, lớp bên trong vẫn chưa kịp khô nên bề mặt ngoài bị nhăn
– Sơn dưới trời nắng gắt, lớp ngoài bị khô quá nhanh ,lớp bên trong chưa kịp khô nên bề mặt ngoài bị nhăn
– Sơn xong gặp trời lạnh, nhiệt độ giảm đột ngột cũng làm cho lớp trong khô chậm và lớp ngoài khô nhanh

Cách khắc phục :
- Lựa chọn con lăn chuẩn, kích thước và bề mặt bông chuẩn
- Chú ý khi lăn sơn phải lăn đều tay
- Khi nhúng sơn con lăn cũng phải được thấm vừa đủ


3. Màu sơn không đồng nhất :

Hiện tượng : Khi chỉ dùng một loại sơn màu nhưng không đều màu
Nguyên nhân :

– Do không khuấy đều thùng sơn trước khi lăn
– Thợ thi công không đều tay
– Dụng cụ thi công khác nhau
– Dặm vá không khéo léo
– Mỗi lần thi công, sơn được pha loãng với tỷ lệ khác nhau

Cách khắc phục:
- Khi pha sơn phải chú ý quấy đều
- Tỷ lệ pha sơn phải đúng với hướng dẫn sử dụng
- Khi sơn phải lăn đều tay

4. Sự phấn hóa:

Hiện tượng : Bề mặt màng sơn có bột trắng (dạng phấn), sơn nhà không cẩn thận rất hay gặp trường hợp này
Nguyên nhân :

– Dùng loại sơn rẻ tiền , tỷ lệ chất độn / chất tạo màng cao
– Tia tử ngoại và thời tiết ảnh hưởng xấu đến màng sơn
– Do pha sơn quá loãng làm giảm độ độ kết dính của sơn
Tường sơn nhà bị phấn hóa

Cách khắc phục:
- Lưu ý chọn mua loại sơn chất lượng, phù hợp với mục đích sử dụng
- Pha đúng tỷ lệ, không đậm quá mà cũng không nhạt quá